♣Cà phê Doanh nhân
♣Cà phê Doanh nhân
Tue, Day 16/07/2013 09:21 AM
TÌM HIỂU VỀ LOẠI "CỔ" TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN (Phần 2)
            (Phần II bài phỏng vấn Ông Lê Xuân Hiền Phó CT Hiệp hội DN tỉnh - TP ĐKKD tỉnh Hải Dương. BTV Thanh Hoa thực hiện).  

          PV: Thưa ông, ở phần mở đầu bài viết phần I ông có nói về Đại hội đồng cổ đông, chữ Đại hội được hiểu như là một cuộc họp, một hội nghị, một đại hội có đúng không? Ví dụ, khi đọc báo, chúng tôi thấy Công ty cổ phần ABC mời Họp Đại hội đồng cổ đông, tại sao đã là Đại hội rồi lại còn có từ họp nữa, ở đây có thừa chữ họp hay nhầm lẫn gì không?

        Ô LXH: Khi cần tập trung để bàn bạc một việc gì đó người ta dùng từ họp, ví dụ họp cơ quan, họp phòng ..., thậm chí là để vui  chơi, ôn lại kỷ niệm cũ thủa ấu thơ thì tổ chức họp lớp, việc gia tộc thì tổ chức họp họ .v.v. Có những cuộc họp có nhiều nội dung, kéo dài được gọi là kỳ họp, ví dụ Kì họp Hội đồng nhân dân tỉnh. Kì họp là hoạt động quan trọng và thường xuyên nhất của Hội đồng nhân dân, là nơi thể hiện tập trung nhất quyền lực Nhân dân và là nơi thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân.  

            Tương tự như vậy, Công ty cổ phần muốn thể hiện tập trung nhất quyền lực của cổ đông và thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của tất cả cổ đông, phải tổ chức Họp Đại hội đồng cổ đông (dù thường niên hay bất thường). Chữ họp ở đây không hề thừa, trái lại phải có từ họp mới đúng. Khá nhiều người nhầm lẫn từ Đại hội trong cụm từ này đồng nghĩa với từ cuộc họp. Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định "Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần". Đại hội đồng cổ đông là một cơ cấu tổ chức của công ty, luôn hiện hữu từ khi thành lập công ty cổ phần cho đến khi chấm dứt hoạt động. Mọi cổ đông đều là thành viên đương nhiên cấu thành nên Đại hội đồng cổ đông. Tuy vậy, do nghĩ chữ Đại hội đồng nghĩa với cuộc họp, cho nên nhiều chỗ viết là "mời dự Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần ABC" mà đúng ra thì phải là "mời dự họp Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần ABC".

            PV: Ồ, người ta nói từng chữ trong Luật đắt quá vàng ròng quả thật có lý, mỗi chữ đều có ý nghĩa của nó và muốn sửa một chữ cũng phải họp và được Quốc hội thông qua, vì vậy nếu không tìm hiểu thật kỹ thì khó mà hiểu và thực hiện đúng được. Chúng tôi thấy có cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, lại có cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, vậy các cuộc họp này có gì khác nhau không ?

            Ô LXH: Hiểu một cách đơn giản nhất thì bất cứ cuộc họp nào đến hẹn lại nên (lại họp), định kì thì được gọi là thường niên, ngoài ra thì là bất thường. Ví dụ: Kì họp HĐND diễn ra 2 kì/năm, được triệu tập bởi thường trực Hội đồng nhân dân, đây chính là những kì họp thường niên, ngoài ra có thể có những kì họp bất thường.

            Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Theo đề nghị của Hội đồng quản trị, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá sáu tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Đại hội đồng cổ đông thường niên thảo luận và thông qua các vấn đề sau đây: a) Báo cáo tài chính hằng năm; b) Báo cáo của Hội đồng quản trị đánh giá thực trạng công tác quản lý kinh doanh ở công ty; c) Báo cáo của Ban kiểm soát về quản lý công ty của Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; d) Mức cổ tức đối với mỗi cổ phần của từng loại; đ) Các vấn đề khác thuộc thẩm quyền.

            Hội đồng quản trị phải triệu tập họp bất thường Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp sau đây: a) Hội đồng quản trị xét thấy cần thiết vì lợi ích của công ty; b) Số thành viên Hội đồng quản trị còn lại ít hơn số thành viên theo quy định của pháp luật; c) Theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 79 của Luật này; d) Theo yêu cầu của Ban kiểm soát; đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

            Như vậy, Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên mỗi một năm chỉ một lần, ngoài ra còn có thể có các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường. Điều đáng tiếc là do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân chính là thiếu nghiên cứu, tìm hiểu và tôn trọng các quy định của Luật Doanh nghiệp mà nhiều công ty cổ phần đã không tuân thủ đúng việc tổ chức Họp Đại hội đồng cổ đông, từ đó dẫn đến những tranh chấp nội bộ phức tạp, kéo dài.

            PV: Lại nói đến tranh chấp, do kinh tế hiện gặp quá nhiều khó khăn nên các doanh nghiệp lâm vào tình trạng phải giải thể, phá sản rất nhiều. VN Express điện tử ngày 02/4/2013 đưa tin: Sacombank siết nợ gần 80 triệu cổ phiếu STB của ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh để cấn trừ gần 1.600 tỷ đồng... Đồng thời chúng tôi thấy ngày càng có nhiều các tranh chấp liên quan đến nội bộ doanh nghiệp, nhất là tranh chấp của các cổ đông công ty cổ phần. Nguyên nhân có phải công ty cổ phần là loại công ty khó quản lý, quản trị, điều hành hay không ? Và khi tranh chấp nội bộ (giữa các cổ đông chẳng hạn) xảy ra thì các bên phải làm thế nào ? 

            Ô LXH:  Về ưu, nhược điểm của các loại hình doanh nghiệp, Web site Sở Kế hoạch và Đầu tư tại địa chỉ: sokhdt.haiduong.gov.vn (mục Tin bài đăng ký doanh nghiệp) có đăng bài viết: Lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp – Tiền đề để thành công của nhà đầu tư. Bài viết này cũng được đăng trên Đặc san của Hiệp hội và nhiều Báo, Tạp chí khác. Chúng tôi xin trích tóm tắt về loại hình Công ty cổ phần như sau:

            Lợi thế của công ty cổ phần là: (1) chế độ trách nhiệm của công ty cổ phần là trách nhiệm hữu hạn, các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp nên mức độ rủi do của các cổ đông không cao; (2) do không bị hạn chế số lượng cổ đông nên khả năng huy động vốn, khả năng hoạt động của công ty cổ phần rất rộng, trong hầu hết các lịch vực, ngành nghề; (3) cơ cấu vốn của công ty cổ phần hết sức linh hoạt tạo điều kiện nhiều người cùng góp vốn vào công ty; (4) khả năng huy động vốn của công ty cổ phần rất cao thông qua việc phát hành cổ phiếu ra công chúng, đây là đặc điểm riêng có của công ty cổ phần; (5) việc chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần là tương đối dễ dàng, do vậy phạm vi đối tượng được tham gia công ty cổ phần là rất rộng (6) có sự phân hoá chủ thể trong công ty cổ phần thành đối tượng mua cổ phần (góp vốn) và đối tượng trực tiếp sử dụng vốn.

            Bên cạnh những lợi thế nêu trên, loại hình công ty cổ phần cũng có những hạn chế nhất định như: 1) chỉ trừ cổ phần sáng lập và cổ đông sáng lập bị hạn chế quyền chuyển nhượng trong thời gian 3 năm kể từ ngày được cấp GCN ĐKDN, bản chất của công ty cổ phần là công ty đối vốn (thậm chí có thể gọi là “vô danh” xét về khía cạnh chủ sở hữu vì có thể có liên tục sự thay đổi của cổ đông -  chủ sở hữu công ty); (2) việc quản lý và điều hành công ty cổ phần rất phức tạp do số lượng các cổ đông có thể rất lớn, có nhiều người không hề quen biết nhau và thậm chí có thể có sự phân hóa thành các nhóm cổ đông đối kháng nhau về lợi ích dẫn đến sự tranh chấp để giành quyền lợi (3) Việc thành lập và quản lý công ty cổ phần cũng phức tạp hơn các loại hình công ty khác do bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật, đặc biệt về chế độ tài chính, kế toán và sự minh bạch của công ty.

            Tranh chấp nội bộ (giữa các cổ đông chẳng hạn) được xác định là tranh chấp về kinh doanh, thương mại, nếu không thương lượng, hòa giải được sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án hoặc Trọng tài. Tuy vậy, các chuyên gia luôn khuyên rằng khi xảy ra tranh chấp, cách tốt nhất là các bên cùng ngồi lại với nhau, cùng nhau chia sẻ (để thương lượng hoặc hòa giải). Với một thái độ thân thiện, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau, việc giải quyết sẽ trở nên suôn sẻ và hiệu quả hơn cho cả hai bên. Ngoài ra, cũng cần lưu ý một điều, đối với người Việt Nam thì ngoài lý còn có tình, ngoài các Đạo luật còn luôn có Đạo lý, tập quán, lẽ phải .v.v.

            PV: Điều 77 Luật Doanh nghiệp 2005 nêu: Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn. Vậy chứng khoán là gì ? Công ty cổ phần được quyền phát hành các loại chứng khoán nào ?

            Ô LXH: Khoản 3, điều 77 Luật Doanh nghiệp nêu: Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn và Khoản 1, điều 88 Luật Doanh nghiệp nêu: Công ty cổ phần có quyền phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các loại trái phiếu khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

            Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện bằng hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử. Chứng khoán bao gồm các loại: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư, chứng khoán phái sinh .v.v. Thực chất chứng khoán là một loại hàng hóa, mà một trong những thuộc tích quan trọng nhất của hàng hóa là được trao đổi, mua bán trên thị trường theo giá trị. Phần I của bài viết đã giải thích về cổ phiếu. Trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định và với một lợi tức quy định. Thu nhập của trái phiếu là tiền lãi, là khoản thu cố định không phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của công ty.  Trái lại, cổ tức cổ phiếu thường tùy thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, và vì kết quả kinh doanh không ổn định nên cổ tức cũng không thể cố định. Khi doanh nghiệp làm ăn phát đạt thì cổ đông được hưởng lợi nhuận nhiều hơn so với các loại chứng khoán khác có lãi suất cố định. Ngược lại, khi làm ăn khó khăn hoặc thua lỗ, cổ tức có thể rất thấp hoặc không có cổ tức. Thế mới có chuyện Cổ phiếu rẻ hơn nửa ly trà đá vỉa hè như phần I đã nêu.

            Về các loại chứng khoán, thị trường chứng khoán, niêm yết trên sàn chứng khoán, chỉ số chứng khoán .v.v. là các nội dung rất cần thiết, tuy không mới và liên tục được đài, báo, mạng điện tử .v.v. đưa tin hàng ngày, hàng giờ nhưng ít người biết cặn kẽ nên rất cần tìm hiểu, chúng tôi sẽ dành phần III bài viết để nêu về nội dung này ./.

         (Đề nghị quý độc giả quan tâm tìm đọc phần I của Bài viết đăng trên Đặc san của Hiệp hội Quý I/2013 và đón đọc phần III của bài viết trên Đặc san sẽ được phát hành vào Quý III/2013).

 

Các tin cũ hơn:
Các tin đã đưa ngày:
Hỗ trợ trực tuyến
Call me!
Vănphong