TIN TỨC SỰ KIỆN
TIN TỨC SỰ KIỆN
Tue, Day 02/01/2018 10:43 AM
Thông báo ý kiến tại diễn đàn CLB cà phê doanh nhân lần 7
Sáng ngày 23/12/2017, Câu lạc bộ cà phê doanh nhân Hải Dương tổ chức diễn đàn Câu lạc bộ cà phê lần thứ 7 với chủ đề : “Đối thoại giữa lãnh đạo Sở Lao động thương binh và xã hội với doanh nghiệp về thực hiện chính sách lao động, tiền lương và khuyến nghị sửa đổi pháp luật lao động trong thời gian tới”.  

Tới dự buổi sinh hoạt có ông Vũ Doãn Quang -  Tỉnh ủy viên- Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh; bà Vũ Kim Hằng- Phó Ban quản lý KCN tỉnh; ông Lê Xuân Hiền- Trưởng phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư Sở Kế hoạch&đầu tư tỉnh- Thành viên Tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư; bà Phạm Thị Thu Hiền- Chánh thanh tra, ông Nguyễn Đức Thái- Trưởng phòng dạy nghề, bà Bùi Thị Mai- Trưởng phòng việc làm ATLĐ, bà Trần Thị Hải Doan- Chánh văn phòng, ông Nguyễn Đăng Khoa - Phó Trưởng phòng lao động tiền lương, BHXH  – Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh; các phóng viên Đài phát thanh truyền hỉnh tỉnh, Báo Hải Dương, Báo Kinh doanh &pháp luật; thời báo Mê Kông; các ông bà trong Ban Thường vụ HHDN tỉnh, các Ban chuyên môn của HHDN và trên 20 DN hội viên.

Sau khi nghe ông Nguyễn Hữu Đoan – Chủ tịch HHDN tỉnh kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ cà phê doanh nhân giới thiệu đại biểu khách mời tham gia buổi sinh hoạt diễn đàn Câu lạc bộ cà phê doanh nhân  lần thứ 7, một số DN hội viên đã có ý kiến về những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện chính sách pháp luật lao động và BHXH.

I- Ý KIẾN CỦA CÁC DN HỘI VIÊN:

1.Ý kiến của ông Ngô Quang Hoàn- Giám đốc Công ty TNHH Đảo Thảo Nguyên:

Là DN mới thành lập năm 2017 sau khi chuyển từ hộ kinh doanh cá thể lên, DN chấp hành đúng theo quy định của pháp luật, tuy nhiên một số chính sách mới về lao động và BHXH làm DN thấy rất khó thực hiện:

-                     Luật BHXH có hiệu lực từ 01/01/2018 quy định người sử dụng lao động đóng BHXH cho lao động hợp đồng từ 01 tháng trở lên, DN thường xuyên có trên 50 lao động làm việc, ngay từ khi còn là Hộ kinh doanh cá thể, bản thân là Chủ hộ cũng đã thực hiện ký Hợp đồng lao động với người lao động và thực hiện nghiêm túc Hợp đồng lao động đã ký. Tuy nhiên theo Luật mới về BHXH hiện nay, Công ty đã nhiều lần đặt vấn đề và giải thích để người lao động hiểu và thực hiện đóng BHXH cùng DN, nhưng bản thân người lao động không muốn đóng, vì vậy DN chưa thực hiện được. 

-                     DN mới, đang muốn đầu tư thêm mảng dịch vụ nhưng thiếu vốn.

Đề nghị các cơ quan quản lý tư vấn giúp DN để giảm bớt khó khăn.

2. Ý kiến của ông Vũ Thạch Huấn-  Giám đốc Công ty chuyển phát nhanh Quốc tế:

Công ty đăng ký BHYT cho cán bộ công nhân viên tại Viện quân y 7 và Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, Công ty có Văn phòng tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên và Hải Phòng, nhân viên làm việc tại các Văn phòng đó có được đăng ký khám chữa bệnh tại nơi Văn phòng đóng trụ sở không?

3. Ý kiến của ông Nguyễn Văn Tính -Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DV sửa chữa nhiệt điện Miền Bắc:

Công ty hoạt động trên 10 năm, tiền thân là Công ty cổ phần của một số Công ty nhà nước, nhưng đến T4/2017, Công ty chuyển đổi mô hình, vốn của cá nhân chiếm đến 76% nên hoạt động theo mô hình Công ty tư nhân, dù ở hình thức nào Công ty vẫn tuân thủ theo đúng pháp luật, DN có một số vấn đề khó khăn phải giải quyết:

1- Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ 01/01/2018  bắt buộc người sử dụng lao động phải đóng BHXH cho người lao động có Hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên, cũng giống như ý kiến của Ông Hoàn- Công ty Đảo Thảo Nguyên, tại Công ty chúng tôi, người lao động làm dịch vụ là bán sức lao động nên không muốn đóng vì phải mất 10%, mặt khác Công ty cũng tăng chi phí do phải đóng BHXH cho các đối tượng lao động ngắn hạn này ( lao động thời vụ), Công ty đã tính thử, giả sử người lao động đồng thuận , số tiền  23% Công ty phải đóng cho người lao động thì chi phí tăng, lợi nhuận của DN không có, về lâu dài Công ty khó tồn tại. Đề nghị các cơ quan chức năng nên áp dụng thực hiện Luật BHXH theo lộ trình, không nên áp dụng ngay để DN tuyên truyền, vận động người lao động và cũng là tạo điều kiện cho DN tồn tại và phát triển, có tiền nộp NS cho Nhà nước.

2- Về BHYT: Công ty có nhiều cơ sở ở các tỉnh khác kể cả ở Miền Nam và cũng đã thực hiện đóng BHYT cho người lao động tại các địa phương đó. Tuy nhiên trong quá trình làm việc vẫn phải có sự điều chuyển lao động trong các cơ sở, người lao động chuyển sang cơ sở khác vẫn phải khám bệnh trái tuyến. Đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu để người lao động được khám chữa bệnh thuận lợi?

3-Những năm gần đây, chính cách tiền lương của Nhà nước liên tục thay đổi, đặc biệt là lương tối thiểu vùng tăng liên tục, mới đây Công ty nhận được văn bản về tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động năm 2018. Việc này cũng rất khó khăn cho Công ty vì:  Để có việc làm, Công ty phải thực hiện đấu thầu cạnh tranh tương đối khốc liệt về giá, thậm chí có công trình chấp nhận lỗ hoặc không có lãi để kiếm việc làm cho công nhân, trong khi đó mức lương tối thiểu vùng tăng liên tục, mục dự toán lương nhân công không theo kịp dẫn đến lợi nhuận của Công ty giảm hoặc âm do tiền lương của người lao động tăng theo chính sách của Nhà nước. Đề nghị các cấp lãnh đạo nghiên cứu đề nghị cấp trên để tạo điều kiện giúp các DN giảm bớt khó khăn.

4-Quy định chế độ làm thêm giờ không quá 300h/năm thực sự rất khó với các Công ty làm việc theo thời vụ, vì khi có đơn hàng nhu cầu thời giam làm việc rất cao nên không thể chỉ 300h.

5. Việc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định người lao động chỉ cần báo trước người sử dụng lao động 45 ngày cũng gây khó khăn cho DN vì thiếu lao động nhất là lao động có tay nghề cao. Tại Công ty có trường hợp lao động làm việc lâu năm từ Nhà máy nhiệt điện Phả Lại chuyển sang, trước đây chưa có chế độ đóng BHTN mà 2009 mới có, vậy khi người đó xin chấm dứt HĐLĐ để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trả trợ cấp thất nghiệp như thế nào?

4. Ý kiến của bà Phạm Thị Nhung - Giám đốc Công ty cổ phần Hồng Gia:

Công ty  cổ phần Hồng Gia là Công ty gia đình nằm trong KCN Nam Sách, thực hiện gia công cho Tập đoàn VF về  định hình sản phẩm vải (màn tuyn xuất khẩu) của UNICEP tài trợ cho các nước nghèo. Công ty nằm trong KCN nên phải đóng góp khá nhiều loại chi phí theo quy định của KCN như: Chi phí hạ tầng, chi phí nước thải…, đã nhiều năm nay Công ty luôn thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ đối với KCN, nộp đủ thuế với Nhà nước và đảm bảo đời sống cho công nhân, hiện Công ty gặp một số khó khăn:

-Trước đây sản phẩm gia công cho UNICEF chỉ có Tập đoàn VF, nay có thêm  các DN của Trung Quốc cạnh tranh, thế mạnh của Trung Quốc là sản phẩm giá rẻ nên việc cạnh tranh rất khó khăn, Tập đoàn liên tục hạ giá sản phẩm gia công trong khi tiêu chí sản phẩm rất gắt gao, mức tiêu hao giảm từ 2.4 nay còn 1.5, nên công nhân chỉ sơ ý sản phẩm hỏng là sẽ bị lỗ. Tiền lương của người lao động tăng liên tục theo Nghị định của Chính phủ về mức tiền lương tối thiểu theo vùng miền, lao động của Công ty chủ yếu là ở nông thôn trìnhđộ văn hóa hết lớp 7, trình độ hạn chế nên họ không muốn đóng BHXH, thậm chí kể cả những người đã tốt nghiệp Đại học cũng không muốn đóng BHXH, vì vậy Công ty rất khó vận động.

- Do cạnh tranh nên có thời gian 6 tháng Công ty không có đơn hàng, người lao động đã đi làm việc khác, khi có đơn hàng Công ty đi vận động người lao động làm việc và phải trả giá nhân công cao hơn thậm chí gấp đôi mới thu hút được  người lao động, mà lao động này chỉ làm 1,2 tháng là hết đơn hàng nên việc đóng BHXH cho đối tượng này rất khó khăn cho cả Công ty và người lao động.

5. Ý kiến của bà Nguyễn Thị Kim Chính- Giám đốc Công ty cổ phần Kim Chính:

Công ty Kim Chính là Công ty kinh doanh sản phẩm sạch trong Nông nghiệp,Công ty cũng có khó khăn giống như Công ty CP nhiệt điện miền Bắc và Công ty CP Hồng Gia về việc đóng BHXH cho người lao động đủ 01 tháng trở lên. Công ty còn thêm khó khăn là:

- Người lao động đã được đào tạo bài bản, biết việc lại xin nghỉ và chuyển sang làm cho DN khác. Đề nghị các cơ quan chức năng có chính sách gì hoặc tuyên truyền giáo dục như thế nào để người lao động không nhảy việc.  

- Người lao động xin nghỉ việc tại DN đã hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng lại sang công ty khác làm việc ngay vậy có chế tài gì với những lao động này?

II- CÁC Ý KIẾN TRẢ LỜI CỦA SỞ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI:

1. Ý kiến trả lời của ông Vũ Doãn Quang- TUV- Giám đốc Sở :

Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Hải Dương là cơ quan quản lý nhà nước trên 3 lĩnh vực: Lao động việc làm, người có công và  thương binh xã hội , chính sách của Nhà nước đã từng bước nâng cao đời sống, việc làm cho nhân dân, các cơ quan chuyên môn ( tỉnh, huyện, xã) đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để nhân dân nắm được và tuân thủ chính sách. Trong nhiều năm qua, Sở Lao động &TBXH tỉnh đã có nhiều cố gắng để thực hiện công tác tuyên truyền và thực thi chính sách của Nhà nước về lao động việc làm và TBXH , được DN và nhân dân trong tỉnh ủng hộ rất nhiều, tuy nhiên trong quá trình thực hiện có những việc do chủ quan, khách quan có thể DN chưa thực hiện được đầy đủ theo quy định, cụ thể:

1-Việc thực hiện Luật BHXH mới:  Trước đây Hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên mới phải đóng BHXH, từ 01/01/2018, Hợp đồng lao động đủ 01 tháng đã phải đóng BHXH , DN phải đóng 21,5% cho người lao động, vì vậy chi phí sản xuất tăng dẫn đến giá thành sản phẩm tăng, rất khó cạnh tranh trên thương trường. Bên cạnh đó tâm lý một số người lao động không muốn đóng BHXH do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhận thức chưa đúng về BHXH….

2-Tiền lương tối thiểu vùng tăng hàng năm, muốn nâng cao đời sống người lao động thì tiền  lương phải tăng, vấn đề này gây áp lực rất lớn đối với DN vì chi phí đầu vào (nhân công) tăng nhưng vấn đề này chỉ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

3-Về BHYT: Chưa đảm bảo thuận tiện cho người lao động là lao động ở đâu sử dụng BHYT ở đó, hiện đang có lộ trình áp dụng thông tuyến BHYT để tạo điều kiện cho người lao động.

4-Các DN trong KCN phải chịu chi phí cao hơn các DN nằm ngoài KCN, chi phí lớn gâp áp lực cho DN.

5-Vấn đề cạnh tranh lao động:  Xu thế phát triển chung của việc thu hút đầu tư, việc cạnh tranh về lao động trên địa bàn tỉnh diễn ra rất gay gắt không chỉ ở trong tỉnh mà cả ở ngoài tỉnh, gây khó khăn cho người sử dụng lao động nhất là các DN sử dụng nhiều lao động, người lao động theo pháp luật họ được quyền chuyển đến nơi làm việc có điều kiện tốt hơn, việc giữ lao động gắn bó với DN, các cơ quan quản lý không can thiệp được mà phải do DN có chính sách khuyến khích người lao động như thế nào để giữ được lao động, nhất là lao động có tay nghề cao.

2. Ý kiến trả lời của ông Nguyễn Đăng Khoa- Phó Trưởng phòng  lao động tiền lương, BHXH:

Việc phát sinh mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động đều phải ký Hợp đồng lao động. Trước đây việc ký hợp đồng lao động có các trường hợp: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn; Hợp đồng lao động có xác định thời hạn và Hợp đồng lao động mang tính chất công việc.

Đến nay, Luật BHXH năm 2016 có hiệu lực từ 01/01/2018, quy định thêm 04 đối tượng phải đóng BHXH: Người làm việc có Hợp đồng lao động từ 01 tháng đến  dưới 3 tháng; Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại VN;Cán bộ không chuyên trách cấp xã phường; Thân nhân người lao động đang làm việc tại nước ngoài. Bổ sung thu nhập phải đóng BHXH gồm: Lương+ phụ cấp lương + các khoản bổ sung.

Nghị định 141/2017/NĐ-CP tăng lương tối thiểu vùng 2018, Sở LĐTBXH ban hành văn bản đề nghị các DN rà soát, tổng hợp về tiền lương, khen thưởng cuối năm 2017 theo quy định của Luật Lao động và mức tăng lương tối thiểu vùng báo cáo về Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh để tổng hợp báo cáo cấp trên.

3. Ý kiến trả lời của bà Phạm Thị Thu Hiền- Chánh thanh tra:

Sở Lao động thương binh và xã hội đã nhận được một số ý kiến phản  hồi từ một số DN nêu những khó khăn vướng mắc về tiền lương tham gia đóng BHXH và BHYT, chúng tôi xin trả lời như sau:

Từ 01/01/2016 tiền lương để đóng BHXH quy định gồm : Tiền lương + Phụ cấp+ Các khoản bổ sung . Các khoản bổ sung khác. Theo  Điều 90 Bộ Luật lao động mới quy định: Tiền lương = Mức lương + Khoản phụ cấp 5% nghề nghiệp và 7% phụ cấp độc hại; các khoản phụ cấp khác mang tính chất gắn liền với công việc hoặc các khoản bù đắp khác, phần DN phải nộp là 21,5% sẽ là rất lớn đối với DN khi nộp BHXH.

Tuy nhiên để tránh nhầm lẫn các DN cần chú ý những khoản tiền thưởng, phụ cấp sau không phải cộng để tính BHXH:

- Tiền thưởng hoàn thành năng suất lao động;

- Tiền thưởng sáng kiến;

- Phụ cấp xăng xe, điện thoại;

- Phụ cấp thai sản, ốm đau, nuôi con nhỏ;

-Tiền hỗ trợ nhà ở.

Về vấn đề khó tìm được lao động có tay nghề làm theo công trình khi có Hợp đồng hoặc đơn hàng: Theo quy định tại Nghi định 55/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 Quy định chi tiết thi hành khoản 3 điều 54 Bộ Luật Lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và định mức công việc được thực hiện cho thuê lại và Thông tư số 01/2014/TT- BLĐTBXH ngày 08/01/2014 Hướng dẫn thi hành Nghị định 55 của Bộ Lao động TBXH, DN có thể thuê lại lao động của những DN được cấp phép phù hợp với công việc của mình, Tuy nhiên phải thực hiện theo nguyên tắc mức tiền lương của người lao động được thuê lại phải cao hơn mức tiền lương của người đó làm tại đơn vị cho thuê.

Về BHYT: Hiện chưa thông tuyến toàn quốc, theo quy định tại Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11.2014, DN có thể đến địa bàn có Văn phòng hoặc Chi nhánh làm việc, đăng ký thẻ khám chữa bệnh tại nơi đó cho người lao động, 03 tháng được thay đổi 01 lần.

4. Ý kiến trả lời của bà Bùi Thị Mai- Trưởng phòng việc làm an toàn lao động:

- Việc người lao động chuyển việc là tình trạng chung của tỉnh cũng như toàn quốc nên việc thiếu lao động cũng là khó khăn rất lớn đối với các DN, theo Thông tư số 23 của Bộ LĐTBXH người sử dụng lao động có thể tiếp cận với các Trung tâm dịch vụ việc làm để tuyển lao động cho phù hợp với công việc của DN.

- Theo quy định khi lao động xin nghỉ việc của DN trong vòng 90 ngày người lao động phải mang giấy tờ có xác nhận của DN cho nghỉ việc đến Trung tâm DV việc làm để đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, nếu tìm được việc làm Trung tâm sẽ cắt trợ cấp thất nghiệp. Nhưng do thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động là chưa ký hợp đồng lao động, người lao động cứ làm việc và được trả lương nên Trung tâm DV việc làm không biết được.

- Việc trả trợ cấp thôi việc cho một số lao động có đóng bảo hiểm thất nghiệp thì chỉ tính từ 2009 đến khi nghỉ việc.

- Một số đối tượng trục lợi xin nghỉ thôi việc để hưởng trợ cấp sau đó lại mang giấy tờ là thủ tục nghỉ hưu, Sở LĐTBXH cũng thấy đây là việc bất cập và vướng mắc, Sở sẽ tổng hợp gửi Bộ LĐTBXH để xem xét chỉnh sửa cho phù hợp.

III- MỘT SỐ Ý KIẾN ĐỀ XUẤT CHỈNH SỬA BỔ SUNG LUẬT LAO ĐỘNG:

1-Đề nghị xem xét chỉnh sửa giãn lộ trình đóng BHXH theo quy định mới từ 01/01/2018 người lao động và người sử dụng lao động có thời gian tuyên truyền vận động và thấu hiểu lợi ích của việc đóng BHXH. Có thể tăng mức đóng góp của người lao động và giảm mức phải nộp cho người sử dụng lao động để giảm bớt áp lực cho người sử dụng lao động,  ở nước ngoài họ có BHXH tự nguyện, đóng cao thì hưởng cao.

2- Bộ Luật lao động được thực hiện trách nhiệm của 3 bên: Người sử dụng lao động- Công đoàn- Người lao động,việc này cần có những cuộc đối thoại DN, nhưng việc quy định DN phải tổ chức đối thoại DN 03 tháng 01 lần là chưa phù hợp, có thể quy định 06 tháng 01 lần hoặc khi có nhu cầu đột xuất.

3- Việc quy định DN phải trình thanh bảng lương để Sở LĐTBXH duyệt trước khi trả lương cho người lao động mất rất nhiều thời gian, chỉ nên kiểm soát việc đảm bảo lương tối thiểu vùng vì thực tế hiện một số DN thường phải trả lương cao để giữ lao động.

4- Giảm thời gian tập huấn ATLĐ để giảm áp lực lao động cho DN và cũng là tránh lãng phí, ví dụ: Tập huấn lần đầu 04 ngày. Những năm sau tập huấn lại 01 ngày.

5- Quy định làm thêm giờ tối đa không quá 300 h/năm chưa phù hợp tình hình hiện nay, một số nước ngoài không quy định thời gian làm thêm giờ. Nên để số giờ làm thêm của các DN dệt may da giầy là 400 giờ.

6- Thời gian học nghề, thử việc, thuê lại lao động cần có cơ chế mở linh hoạt nhất là đối với những DN sản xuất theo mùa vụ.

7- Xem xét việc thu BHXH có thể áp dụng hình thức thu trực tiếp từ người lao động trên tinh thần tự nguyện để giảm áp lực cho người sử dụng lao động  và người lao động đã có mã số, định danh nên có thể thu trực tiếp.

Diễn đàn CLB cà phê doanh nhân Hải Dương lần thứ 8 sẽ được tổ chức vào 8h sáng thứ 7 ngày 14/01/2018 với chủ đề:“ Kê khai và quyết toán thuế năm 2017”.

Thời gian: Từ 8h00 đến 11h00 ngày 14/01/2018 (Sáng Chủ nhật)

Địa điểm: Công ty in, đầu tư thương mại Đức Trường, số 12 Ngô Quyền, Phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương.

Kính mời các DN và hội viên đăng ký tham dự vào địa chỉ Email: caulacbocaphedoanhnhanhd@gmail.com./.

TM. BAN CHẤP HÀNH

Chủ tịch HHDN kiêm Chủ tịch Hội đồng

Người sử dụng lao động tỉnh & Chủ nhiệm CLB

Chủ tịch Nguyễn Hữu Đoan (đã ký)

Các tin đã đưa ngày:
Hỗ trợ trực tuyến
Call me!
Vănphong