CHỈ SỐ PCI
CHỈ SỐ PCI Mon, Day 05/08/2013 09:33 AM
Tháo gỡ khó khăn cho DN - Nhìn từ kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2013(Phần 2)
Phần 2
Ông Phạm Ngọc Tuấn: Lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp vẫn không thể vay để sản xuất. Đây đang là một nghịch lý của nền kinh tế. Vậy làm thế nào để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lúc này? Ông Lê Đăng Doanh: Chúng ta phải ghi nhận NHNN đã rất tích cực trong việc giảm lãi suất huy động. Hiện nay, lãi suất đã giảm nhiều, có ngân hàng đã giảm xuống mức 5%. Như vậy, xét với tình hình lạm phát ở nước ta, lãi suất huy động đã được giảm mạnh mẽ, tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chờ xem tình hình lạm phát từ nay đến cuối năm diễn ra như thế nào để bảo đảm lãi suất thực dương và tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng ổn định. Thực tế, NHNN trước nay chỉ giảm lãi suất huy động chứ không giảm lãi suất cho vay, chưa có lãi suất trần. Theo tôi, NHNN có lý do nhất định để làm việc này vì vốn huy động là vốn được huy động với nhiều mức lãi suất khác nhau trong quá khứ, cho nên không thể bắt các NHTM giảm ngay lãi suất cho vay. Song, chúng ta có thể hi vọng nếu lãi suất tiết kiệm được giảm ổn định trong khoảng 3 tháng thì NHNN có thể quy định lãi suất cho vay bằng lãi suất huy động +3% hay một mức lãi suất nào đó. Lãi suất liên tục giảm nhưng số tín dụng cấp cho DN lại không tăng lên một cách tương ứng. Qua 6 tháng, mức tín dụng mới tăng 4,5%, trong khi lạm phát đã tăng 2,4%. Câu hỏi đặt ra lúc này là, bài toán tín dụng không chỉ phụ thuộc vào lãi suất mà cần có nỗ lực khác, đó là nợ xấu của các DN, của NH. NH phải có tỷ lệ bảo hiểm nhất định trên tổng mức nợ xấu của họ. Với nợ xấu của DN: Một DN kinh doanh nhiều ngành, nhiều lĩnh vực có thể có lĩnh vực có lãi, có nhu cầu vay vốn, nhưng lại đang nợ đọng về BĐS hay một lĩnh vực nào đó mà chưa giải quyết được. Để giải quyết vấn đề này, quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV được sự phối hợp bảo lãnh của Hiệp hội DN cùng xem xét, giải quyết. Hiện nay, mức tín dụng đang được cấp quá thấp để thúc đẩy tăng trưởng. Tôi hi vọng, chúng ta sẽ có giải pháp đồng bộ để khơi thông dòng chảy tín dụng, giúp các DN giải quyết khó khăn, thực hiện được các hợp đồng mà họ đã ký. Nguyễn Minh Phong: Có 3 lý do để giảm được và 5 lý do không giảm được: 3 lý do Thứ 1, NH có thể huy đọng được với lãi suất từ 5 – 6 %. Thứ 2, 1/3 vốn gửi ngân hàng là vốn gửi thanh toán thường không thời hạn, lượng này có thể dùng để cho vay. Thứ 3, NH có thể phát triển dịch vụ khác để tăng thu, bù lại phần giảm lợi nhuận do giảm lãi suất cho vay. 5 lý do để khó hạ lãi suất cho vay Thứ 1, những áp lực về lãi cao và lợi nhuận cao mà các ngân hàng thương mại nhất là ngân hàng cổ phần phải chịu. Thứ 2, áp lực chi phí nuôi dưỡng bộ máy ngân hàng. Thứ 3, dịch vụ của ngân hàng đơn điệu, không hấp dẫn, kém cạnh tranh, Thứ 4, nợ xấu lớn, khiến các ngân hàng e ngại cho vay. Thứ 5, bản thân các doanh nghiệp chưa tạo lòng tin và thiếu đảm bảo vay lãi suất thấp. Ông Nguyễn Trí Tịnh: Lãi suất là vấn đề quan tâm hàng đầu của DN. Với tỷ lệ ổn định của lạm phát như hiện nay, ngân hàng còn có dư địa để giảm lãi suất. DN mong muốn ngân hàng giảm thêm lãi suất để có thể giảm được chi phí cho khách hàng. ![]() TS Nguyễn Minh Phong Ông Phạm Ngọc Tuấn: Thực tế đã chứng minh rất nhiều bài học đắt giá cho các nhà đầu tư BĐS, ông có thể chia sẻ một số lời khuyên dành cho các nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường này? Ông Nguyễn Đình Trung: Với kinh nghiệm làm BĐS từ những năm 2000, tôi thấy các nhà đầu tư VN đã trải qua các đợt sóng năm 2003, 2007 nên đã có nhiều kinh nghiệm hơn. Họ cũng như con chim sợ cành cây cong nên đang rất e dè, cẩn trọng. Điều đó là đúng bởi trước nay họ đã đầu tư với một số sai lầm như tham gia đầu tư theo số đông, tập trung đầu tư vào phân khúc cao cấp không phù hợp tình hình kinh tế và nhu cầu chung của thị trường. Quan điểm của tôi là các nhà đầu tư nên xác định sản phẩm xem có phù hợp với nhu cầu không? Bản thân Hưng Thịnh khi phát triển các dự án cũng luôn dựa trên tiêu chí đầu tiên là xác định nhu cầu của thị trường, nghiên cứu kỹ nhu cầu về địa lý, phân khúc sản phẩm. Với các nhà đầu tư, theo tôi đã đầu tư là xác định cùng tham gia sản xuất, mà số tiền đầu tư vào BĐS là rất lớn. Thực tế những năm 2007, có lúc trong một tuần lễ mà một sản phẩm địa ốc tăng giá tới 10-15%. Mong muốn mức tăng trưởng như vậy là một sai lầm. Tôi cho rằng lúc nào cũng có cơ hội cho các nhà đầu tư địa ốc nhưng phải xác định khu vực, vị trí địa lý, nhu cầu của thị trường và đừng đòi hỏi một độ tăng trưởng mạnh ngay trong ngắn hạn. Nhiều khi chúng ta phải xác định đầu tư là tích lũy để đón đầu cơ hội.
![]() Ông Nguyễn Đình Trung - Tổng giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh
Ông Phạm Ngọc Tuấn: Dưới góc nhìn của mình, ông đánh giá thế nào về xu hướng thị trường bĐS trong thời gian tới? Ông Nguyễn Đình Trung: Tôi nhận thấy thị trường rất trông chờ gói tín dụng 30.000 tỷ nhưng hiện nay đang có rất ít DN được hưởng tín dụng từ gói này nên các DN đã bình tĩnh trở lại. Một số DN tự xác định mình không thuộc đối tượng được hỗ trợ gói tín dụng này nên đã chuẩn bị đưa sản phẩm về mức giá cạnh tranh với những sản phẩm được hưởng gói này. Tôi nhận thấy một số DN có hệ thống sàn giao dịch lớn đã chuẩn bị đưa ra một lượng sản phẩm với giá thành cạnh tranh, khoảng dưới 15 triệu đồng/m2. Đây là mức giá khá ổn. Ngoài ra, mới đây Bộ Xây dựng cũng đã có Công văn hướng dẫn chỉ tiêu kiến trúc áp dụng cho công trình nhà ở cao tầng số 1245/BXD-KHCN, trong đó quy định các chủ đầu tư muốn phát triển các dự án nhà ở thương mại thì cứ trên 100m2 diện tích nhà ở thì phải bố trí tối thiểu 20m2 làm chỗ để xe. Như vậy thì chắc chắn giá thành sẽ đội lên. Và cũng vì viễn cảnh của các dự án tương lai có thể phải lên giá theo quy định này, thì mức giá của các sản phẩm thương mại hiện nay là hợp lý cho người mua. Đây có lẽ là thời điểm đáy của BĐS phân khúc căn hộ trung bình.
![]() Phó Trưởng Đại diện văn phòng khu vực phía Nam tặng hoa cho ông Nguyễn Đình Trung - Tổng giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh
Ông Phạm Ngọc Tuấn: Các DN đang than phiền về việc hoàn thuế GTGT trong 40 ngày với nhiều thủ tục nhiêu khê khiến các DN phải chờ đợi. Ông Phụng đã nghe điều này chưa và theo ông vấn đề này cần phải giải quyết từ đâu? Ông Nguyễn Văn Phụng:
Đây là câu hỏi thường ngày tôi vẫn thường nghe và để trả lời câu hỏi này thì tôi dẫn một số thông tin để chúng ta cùng theo dõi và trao đổi. Theo quy định hiện hành từ ngày 30/6/2013 trở về trước thì chúng ta đang áp dụng 2 cơ chế hoàn thuế GTGT. Đó là hoàn thuế sau 60 ngày đối với các trường hợp kiểm tra trước hoàn thuế sau, còn đối với các trường hợp hoàn thuế trước kiểm tra sau thì chúng ta áp dụng cơ chế thời gian là 15 ngày. Còn kể từ ngày 1/7/2013 theo Luật số 21 năm 2012 của Quốc hội và nghị định số 83 NĐ-CP ngày 22/07/2013 mà Chính phủ vừa ký ban hành thì thời gian hoàn thuế được rút từ 60 ngày xuống còn 40 ngày đối với trường hợp là kiểm tra trước hoàn thuế sau đồng thời hoàn thuế trước kiểm tra sau thì được rút ngắn từ 15 ngày xuống còn 6 ngày, phải nói rằng đây là một sự cố gắng rất lớn. Để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về trường hợp nào thì được hoàn thuế trước, trường hợp nào được hoàn thuế sau một cách công khai, thì quan điểm chung là những DN nào thực hiện tốt, lý lịch trong sạch, hoàn thành xong các thủ tục và từ trước đến nay không có vi phạm gì thì chắc chắn được thực hiện cơ chế hoàn thuế trước kiểm tra sau. Ngược lại, những DN mới (ví dụ như hoàn thuế cho các nhà ngoại giao và cho các DN theo điều ước quốc tế), vì chúng ta chưa biết họ là ai nên phải kiểm tra và thực hiện và sẽ thực hiện theo quy trình hoàn thuế sau, kiểm tra trước. Đối với những trường hợp hoàn thuế mà trong thời gian 2 năm đã có vi phạm về trốn lậu thuế (tức là trong hồ sơ của anh trong phạm vi 2 năm qua đã có “vết”), vậy sẽ phải kiểm tra DN để xem DN đã thực sự thay đổi chưa. Đối với trường hợp hoàn thuế GTGT cho DN chỉ có giao dịch tiền mặt mà không thực hiện qua ngân hàng, thì cần phải có thời gian để ngành thuế đối chiếu, kiểm tra, sử dụng các công cụ hỗ trợ đảm bảo rằng việc hoàn thuế cho DN là đúng đắn. Đối với trường hợp DN hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản nộp thừa thì sẽ được hoàn lại thuế. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải kiểm tra và thực hiện quy trình kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Còn những trường hợp DN nộp thuế mà nợ chứng từ ngân hàng, những DN nộp thuế hàng hóa nhập khẩu thì theo quy định pháp luật là phải bắt buộc kiểm tra trước hoàn thuế sau. Chúng ta bảo vệ DN làm ăn đứng đắn, bảo đảm tiền thuế của ngân sách nhà nước không bị mất đi thông qua việc hoàn thuế. Đấy là thông điệp chúng tôi muốn gửi gắm đến để tất cả các DN.
![]() Ông Nguyễn Văn Phụng - Phó Vụ trưởng vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính
Ông Phạm Ngọc Tuấn:
Hiện nhiều DN cho rằng thuế TNDN cần được giảm hơn nữa nhằm "khoan sức dân". Là đại diện cho Bộ Tài chính, quan điểm của ông về vấn đề này? Ông Nguyễn Văn Phụng: Chúng ta đã và đang kiên quyết xóa bỏ khoản thu ngoài thuế, ngoài luật, và việc này chúng ta nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị. Nếu DN nào, địa phương nào, cá nhân nào lấy danh nghĩa cơ quan nhà nước để đòi hỏi DN phải đóng góp ngoài quy định của pháp luật thì phải đấu tranh việc này, DN kiên quyết không nộp những khoản không có trong quy định của luật pháp và DN phải ủng hộ nhà nước trong việc đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực này. Về cơ bản, tôi cũng đồng tình với các diễn giả về việc chúng ta phải có mức thuế hợp lý, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực có điều kiện tương đồng. Đành rằng doanh nghiệp có lãi thì người ta mới nộp thuế thu nhập nên mức thuế cao hay thấp chỉ là một phần vấn đề nên chúng ta cần tính đến các chi phí được trừ để tính ra số thu nhập để tính thuế. Vừa qua, Luật thuế thu nhập DN đã được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung thay đổi, tạo thuận lợi cho DN về thuế suất và chi phí được trừ, về ưu đãi thuế,… tôi không tán thành ý kiến của ông Quyết nêu ra là hiện nay thuế cao nên DN trốn thuế nhiều. Trước đây, chúng ta có mức thuế 32%, rồi giảm xuống 25% và tới đây xuống 22% và 20%; Hóa đơn ngày xưa do nhà nước in và bán cho DN, bây giờ cho DN tự in, giờ doanh nghiệp lại kêu khó khăn quá vì gặp phải DN ma làm ra hóa đơn gian lận. Rõ ràng là trong môi trường có quá nhiều DN được thuận lợi trong in ấn hóa đơn nên cho dù có hạ xuống mức thuế xuống thấp hơn nữa nhưng nếu như DN có ý đồ muốn gian lận hì họ vẫn gian lận bằng mọi cách nên chúng ta phải đồng hành với những DN làm ăn chân chính và cơ quan nhà nước để xóa bỏ hóa đơn ma, xóa bỏ việc buôn bán hóa đơn để trốn thuế. Cần áp dụng công nghệ thông tin và sự phối hợp giữa các cơ quan để cùng nhau bảo vệ DN làm ăn chân chính, như vậy môi trường kinh doanh sẽ tốt hơn và số DN có lãi thực để nộp thuế sẽ tăng lên. Ông Phạm Ngọc Tuấn: Về quy trình nộp các khoản thuế liên quan đến đất đai? Ông Nguyễn Văn Phụng: Tôi rất chia sẻ với ý kiến của bạn đọc vì quy trình nộp các khoản thuế liên quan đến đất đai nó rất phức tạp. Lâu nay ta thường quan niệm nhầm, người ngồi ở bộ phận 1 cửa là cơ quan thuế nhưng thực ra nơi đây là cơ quan liên ngành, bao gồm cơ quan quản lý cấp quận huyện về đất đai, văn phòng UBND cấp huyện, cơ quan thuế chỉ tính được thuế khi thông tin về hồ sơ giao dịch đất đai được chuyển đến từ bộ phận một cửa. Đối với DN, quy trình nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất có khác với cá nhân trên cơ sở về hồ sơ đất đai khi được TP quyết định giao đất, cho thuê đất được chuyển đến bộ phận 1 cửa, từ đó tính ra số tiền phải nộp. Khi được bộ phận một cửa liên ngành thẩm định xác định vị trí đất đai, diện tích đất, bảng giá đất, đề xuất đơn giá một mét vuông đất, sau đó chuyển vào cơ quan thuế để tính ra số tiền phải nộp. DN muốn đến thẳng cơ quan thuế để nộp cũng không được mà cần phải làm đúng quy trình theo quy định của các văn bản liên quan đến đất đai. Ông Phạm Ngọc Tuấn: Biến động tỷ giá là một trong những mối quan tâm và lo hàng đầu của DN. Ông có thể dự báo về biến động này cho những tháng cuối năm? Ông Lê Đăng Doanh: Tỷ giá của VNĐ đã có biến động mạnh cho đến năm 2012. Năm 2013, thống đốc NHNN hứa sẽ điều chỉnh tỷ giá trong biên độ 3%. Vừa qua, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá theo biên độ 1%, điều này khiến giá xăng, dầu, giá sữa và giá các mặt hàng nhập khẩu đã tăng lên tương ứng. Theo một chu trình, đầu vào của ngành này sẽ là đầu ra của ngành kia, điều này đẩy lạm phát lên. Tuy vậy, cần lưu ý mức lạm phát nội địa khá cao. Năm 2012, tỷ lệ lạm phát bình quân cả năm là 9,2%, trong khi tỷ giá chỉ biến động khoảng 4%. Như vậy VNĐ đã cao giá hơn so với USD, gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu. Cộng từ năm 2008 đến nay, VNĐ đã cao giá hơn so với USD khoảng 30%. Đây là gánh nặng của các DN xuất khẩu. Từ nay đến cuối năm 2013, với tình hình XNK như hiện nay, hi vọng thống đốc NHNN sẽ giữ được lời hứa thay đổi tỷ giá chỉ ở 3%. Song mức 3% có tương đương với lạm phát thị trường trong nước không? Nếu lạm phát trong nước cao hơn tỷ giá sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu. Các DN cần phải xem xét cụ thể từng đồng tiền. Ví dụ: Đồng Yên Nhật đã mất giá 25%. Nếu vay bằng Yên thì DN sẽ rất có lợi vì dễ dàng trả nợ, nhưng nếu xuất khẩu vào Nhật bản thì lại khó khăn hơn vì giá vào thị trường Nhật Bản lại tăng lên do đồng Yên mất giá. Các DN cần phải tính toán rất kỹ đồng tiền, tỷ giá, phương thức thanh toán để giảm rủi ro. Về tỷ giá, tôi nghĩ VNĐ trong 2013 sẽ ổn định chứ không có biến động lớn. Ông Phạm Ngọc Tuấn:Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, các thị trường xuất khẩu truyền thống bị cạnh tranh gay gắt, phải chăng việc khai phá các thị trường xuất khẩu mới là lối thoát duy nhất cho DN xuất khẩu hiện nay, thưa ông ? Ông Lê Đăng Doanh: Thị trường thế giới hiện nay đang có nhiều biến động. Ở Châu Âu một loạt nước đang tăng trưởng âm. Cụ thể, Hy Lạp, Tây Ban Nha đang tăng trưởng âm, Pháp tăng trưởng bằng 0. Trong tình hình tỷ lệ thất nghiệp tăng, người dân vẫn phải chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu của cuộc sống hàng ngày như thịt, cá, quần áo… Vì vậy, những mặt hàng không phải là thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày như giường, tủ, … nếu không có sự thay đổi, cải tiến thì DN sẽ rất khó bán. Những mặt hàng này nếu muốn xuất khẩu phải tìm đến, khai phá các thị trường khác. Thị trường Trung Đông là thị trường mà DN có thể hướng tới. Hiện, có DN ở TP HCM chuyên sản xuất khăn trùm, mũ cho các nước Trung Đông và xuất khẩu khá tốt. Đối với thị trường khác như Châu Phi, nếu DN có quan hệ tốt có thể xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Từ nay đến 2015, nếu chúng ta ký kết được Hiệp định kinh tế đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì chúng ta có thể xuất khẩu được rất lớn. Hiện các DN đầu tư nước ngoài đã đón đầu được cơ hội này và đã xuất khẩu sang các nước TPP. Ông Nguyễn Minh Phong: TPP là một trong các hình thức FTA và TPP như một trong những lối thoát đặc biệt trước những bế tắc của vòng đàm phán Doha. Việc thông qua TPP và các FTA khác sẽ tạo cơ hội cho DN VN tăng cường xuất khẩu, giảm các tranh chấp và các ngăn cản bất bình đẳng đồng thời tạo cơ hội cho DN di chuyển sản xuất ra nước ngoài, từ đó tạo ra những lợi thế kinh doanh và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
![]() Đúng 16h30 buổi tọa đàm kết thúc. Ông Phạm Ngọc Tuấn đã gửi tới các chuyên gia kinh tế, các diễn giả tham dự buổi tọa đàm lời cảm ơn chân thành từ Ban Tổ chức.
Nhóm PV(Theo Báo DĐDN)
Các tin cũ hơn:
Các tin đã đưa ngày:
|