CHỈ SỐ PCI
CHỈ SỐ PCI
Thu, Day 22/08/2013 15:55 PM
Quản trị nguồn nhân lực trong tái cấu trúc DN: “Đãi cát tìm vàng”
(DĐDN) - Trong bối cảnh các DN đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề: Phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, thiếu vốn, hàng tồn kho…như hiện nay, chưa bao giờ vấn đề tái cấu trúc DN, trong đó trọng tâm là quản trị nguồn nhân lực lại được xem là vấn đề tiên quyết để DN có thể tiếp tục tồn tại và phát triển bền vững như hiện nay. Đây cũng được xem là cơ hội để DN tìm kiếm được những nhân sự giỏi phù hợp với chiến lược phát triển.

 

 

Để quản trị nguồn nhân lực tốt, các DN cần phải lưu ý tới các chính sách tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân sự, đánh giá năng lực thực hiện công việc và thù lao cho người lao động


Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ KHĐT,7 tháng đầu năm 2013 cả nước có 34.259 DN giải thể và ngừng hoạt động (trong đó, số DN hoàn thành thủ tục giải thể là 5.351 DN, số DN gặp khó khăn và rơi vào trạng thái tạm ngừng hoạt động là 28.908 DN) tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.Chỉ tính riêng tháng 7 năm 2013 cả nước có 852 DN hoàn thành các thủ tục giải thể. Số DN gặp khó khăn phải ngừng hoạt động trong tháng 7 là 4.652… Còn theo số liệu của VCCI, số DN tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động đang tăng dần qua từng tháng: 4 tháng khoảng 8.300 DN, 5 tháng khoảng 8.800 DN và 6 tháng đã tăng lên khoảng 9.300 DN.

Cơ hội giữ chân” và chiêu mộ nhân tài

Theo các chuyên gia, chính tại thời điểm khó khăn này, DN nên chủ động tích cực trong việc xây dựng, đào tạo và tạo thêm cơ hội, điều kiện cho nhân sự phát huy hết năng lực nghề nghiệp vì mục tiêu vượt qua khó khăn trước mắt cũng như vì sự phát triển bền vững, lâu dài của DN.

Ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Tri cho rằng,  trong quá trình tái cấu trúc nguồn nhân lực, DN thay vì “săn đầu người” thì nên tập trung đào tạo nguồn nhân lực nội tại, xác định những bộ phận có nhân lực dư thừa hoặc không cần thiết, xem xét lại năng lực nhân viên để điều chuyển, huấn luyện trở thành nhân viên kinh doanh hay đưa vào bộ phận đang thiếu, đang cần, tuyển nhân sự phù hợp với công việc thay vì tuyển nhân sự có năng lực vượt trội, mô tả công việc thật cụ thể cho nhân viên và kiểmsoát chặt chẽ quá trình làm việc thay vì kiểm soát đầu vào và đầu ra. Cần chú ý xây dựng lại đội ngũ, cách tổ chức nhân viên và tạo ra mối liên kết mật thiết giữa các nhân viên để họ sát cánh cùng nhau làm việc hiệu quả hơn, phải làm cho nhân viên thấu hiểu và thông cảm với tình hình hiện tại của công ty để họ ở lại và vẫn tin tưởng gắn bó.

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc đào tạo lại nguồn nhân lực, giai đoạn hiện nay cũng được xem là cơ hội để các DN tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao cho DN và cắt cắt giảm những nhân sự không còn phù hợp hay làm việc thiếu hiệu quả, không có tinh thần làm việc để giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, sắp xếp nhân sự phù hợp với trình độ chuyên môn, khả năng bản thân…mang lại hiệu quả kinh tế cho DN.

Ông Tôn Anh Thi - Tổng giám đốc TCty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí (DMC) cho rằng, song song tuyển dụng thì giữ chân nhân tài cũng là việc mà các DN cần lưu ý bởi trong bối cảnh hiện nay DN nào cũng có xu hướng đi tìm nhân tài để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới. Ông Thi chia sẻ, để giữ chân nhân tài, trong năm 2012 Cty đã giành ra 4 tỉ cho các nhân sự trong danh sách cần phải giữ. Bên cạnh đó còn đàm phán và thay đổi hợp đồng nhân sự cùng chức danh, một là cho những nhân sự chất lượng cao cùng mức lương nhưng điều kiện trong hợp đồng sẽ khác, việc đãi ngộ với cán bộ về mặt thu nhập khác tăng lên đáng kể...

Hài hòa hóa mối quan hệ trong DN

Theo TS Luật Hoàng Trung Dũng, Thường trực Uỷ ban Chiến lược và Uỷ ban Nhân sự HĐQT Việt Á Bank, trong vấn đề quản trị nguồn nhân lực, không phải trong DN toàn người tài giỏi, được trả lương cao mà đã thành công, điều quan trọng là phải biết sử dụng nhân lực hài hòa, phù hợp với bối cảnh của DN và của nền kinh tế. Một DN quá nhỏ sẽ không thể “nuôi” một đội ngũ nhân sự lớn, trả lương cao, một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp cũng không thể làm trong một môi trường chưa hoàn thiện.

Trong bối cảnh khó khăn, vừa là yêu cầu vừa là cơ hội để các DN tái cấu trúc, quản trị nguồn nhân lực trong DN - đó cũng là nội dung chính tại diễn đàn: “Vai trò quản trị nhân lực trong tái cấu trúc DN” - ngày 21/8 do DĐDN tổ chức.

“Quản trị nhân lực cũng giống như xây dựng một ngôi nhà, cần cân đối về thời gian, kinh phí và các nguồn lực khác. Đặc biệt là sự phù hợp của ngôi nhà trong dãy phố đó. Làm được điều đó, quản trị nguồn nhân lực mới đạt được hiệu quả và bền vững” - Ông Dũng khẳng định.

Còn ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó TGĐ Cty cổ phần Thương mại Thái Hưng cho rằng, để quản trị nguồn nhân lực tốt, các DN cần phải lưu ý tới các chính sách tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân sự, đánh giá năng lực thực hiện công việc và thù lao cho người lao động. Bên cạnh đó, DN cần chú trọng tới việc tăng lương, thưởng cho nhân viên theo định kỳ và có các hoạt động văn hóa tinh thần cho đội ngũ nhân viên của DN, cần phải nâng cao hơn bằng các biện pháp như: tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao; kiểm tra sức khỏe định kỳ cho công nhân, nhân viên… Đặc biệt, cần phải phối hợp với các tổ chức, ban ngành khác xây dựng hệ thống chỗ ở cho lực lượng lao động – để lực lượng lao động an tâm cống hiến hơn.

Theo các chuyên gia, tái cấu trúc nhân sự là điều quan trọng cho sự phát triển của DN nhưng nó cũng cần phải được thực hiện khéo léo bởi nếu không sẽ gây ra những bất hòa trong quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Chẳng hạn việc cắt giảm nhân sự có thể ảnh hưởng tâm lý, gây sự hoang mang, chán nản cho người ở lại nhưng bên cạnh đó có thể tạo “động lực” hay áp lực cho những nhân viên khác làm việc tốt hơn dẫn đến cải thiện hiệu quả cho DN.

Người ta vẫn nói rằng trong rủi có may, trong khó khăn lại tìm ra cơ hội. Đây là thời điểm thích hợp để các DN tái cơ cấu nguồn nhân lực, tìm ra những nhân tố mới, sốc lại các hoạt động của DN để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới. Nói như TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, vừa là yêu cầu vừa là cơ hội để các DN tái cấu trúc, quản trị củng cố điều hành đội ngũ nhân sự trong DN. Đây là cơ hội thích hợp để các DN giành nhiều thời gian hơn để học tập và nâng cao quản trị DN. Khó khăn sẽ ươm mầm cơ hội, những DN biết tái cơ cấu nguồn lực trong đó có nguồn nhân lực sẽ tìm kiếm được nhiều thành công hơn khi nền kinh tế đi vào ổn định.

Giảm nhân sự hay giảm lương?

Trong bối cảnh khó khăn, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, BĐS... được xem là lĩnh vực đi đầu hiện nay trong cắt giảm nhân sự, giảm lương... để tái cơ cấu nguồn nhân lực, tiếp đó là lĩnh vực dịch vụ, thương mại... Tuy nhiên, việc đầu tiên của tái cơ cấu, quản trị nguồn nhân lực hiện nay mà các DN thực hiện thường là “thẳng tay” cắt giảm nhân sự, số khác thì vẫn giữ nguyên “quân số” mà chỉ điều chỉnh giảm lương.

Ông Đặng Đức Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, Ủy viên BCH VCCI cho rằng, trong hoàn cảnh hiện nay,cùng với việc xác định lại ngành nghề kinh doanh chính, các DN cần sử dụng tối đa nguồn nhân lực, bộ máy cần tinh gọn và kiêm nghiệm công việc để có mức lương khá.Theo ông, giải pháp mà các DN cần sử dụng hiện nay là mạnh tay giảm người, đổi người phù hợp với nhiệm vụ công việc hơn là giảm lương.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc sắp xếp nhân sự phù hợp với trình độ chuyên môn, khả năng bản thân… không chỉ có lợi cho DN mà còn giảm được rất nhiều chi phí để tuyển dụng một nhân sự khác tương đương trong nay mai.Theo tính toán, nếu chi phí giữ chân 1 nhân viên là 1 đồng, thì chi phí để tuyển 1 người mới tương tự mất 26 đồng. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa phải giữ lại nhân sự bằng mọi giá, bởi nếu vậy đôi khi lại rơi vào tình trạng “lợi bất cập hại”, do vậy DN cần phải xem xét và đánh giá nhân sự một cách tổng thể và theo một quá trình. Bởi cái khó của quản trị, tái cơ cấu nguồn nhân lực không phải là chấp nhận những giá trị mới mà chính là từ bỏ những giá trị cũ. Tức là DN phải mạnh tay xóa đi những tồn tại trong chính bộ máy của mình.

Các chuyên gia cũng cảnh báo: Việc cắt giảm một lượng nhân sự lớn trong hoàn cảnh hiện nay tuy có thể tức thời giảm được phần nào chi phí nhưng hậu quả sẽ vô cùng nặng nề, giảm nhân sự không chỉ gây hiệu ứng bất mãn lây lan trong tinh thần làm việc của những nhân viên ở lại mà còn có thể kéo theo nhiều hệ lụy khác như mất khách hàng, mất bí quyết công nghệ vào tay đối thủ…

Rõ ràng, trong quản trị nguồn nhân lực, việc sử dụng những người có chuyên môn cao và trả lương xứng đáng với công sức họ bỏ ra sẽ hiệu quả hơn rất nhiều việc trả lương thấp nhưng sử dụng nhiều nhân viên mà làm việc không hiệu quả.Vì vậy, một đội ngũ nhân viên tinh gọn, biết làm việc là điều mà các DN nên cân nhắc trong bối cảnh hiện nay. Chẳng hạn, DN có thể cắt giảm nhân sự không cần thiết để lấy quỹ lương đó trả cho những người thực sự có năng lực, bởi hiện nay tuy kinh tế khó khăn, người lao động mất việc nhiều nhưng những người có năng lực vẫn được các DN “săn đầu người” sẵn sàng trả mức lương cao để thu hút. Nhất là khi VN tuy được đánh giá là nước có nguồn nhân lực dồi dào, trẻ… nhưng chủ yếu là nhân lực phổ thông, rất thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng, kiến thức và tính kỷ luật lao động cao… Vì vậy, một mức lương “hợp lý, hợp tình” sẽ là giải pháp quan trọng để đảm bảo những người đó không ra đi, sẵn sàng ở lại với DN để tiếp tục chống chọi với “cơn bão” kinh tế hiện nay.

Quốc Anh

Các tin đã đưa ngày:
Hỗ trợ trực tuyến
Call me!
Vănphong