TIN TỨC SỰ KIỆN
TIN TỨC SỰ KIỆN
Wed, Day 05/10/2016 09:30 AM
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương và VCCI ký cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
     Chiều ngày 22/9, tại Phòng TM&CN Việt Nam (VCCI), Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái cùng lãnh đạo 20 tỉnh thành phía Bắc đã ký cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp với Chủ tịch VCCI.

 

       Đến dự buổi lễ có Đồng chí Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương; TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cùng Chủ tịch – Lãnh đạo UBND 21 tỉnh gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc. Lãnh đạo Ban Chỉ đạo đổi mới và PTDN Trung ương; Đại diện lãnh đạo các Bộ, các cơ quan TW, đại diện các Sở, Ban, Ngành của các địa phương; đại diện các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp và đông đảo các cơ quan thông tấn, báo chí.

          Phát biểu tại lễ ký kết, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Đảng ta luôn coi doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò xung kích trong sự nghiệp đi đầu, đổi mới nền kinh tế. Phó Thủ tướng nhấn mạnh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân và nhiệm vụ hết sức quan trọng của các địa phương đối với sự ra đời, tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn; yêu cầu các địa phương thực thi nghiêm túc, hiệu quả các cam kết.

          Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp. Trước đó, vào sáng 21/9 tại Hà Nội, phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam – Bài học từ Israel” Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nhấn mạnh: “Khởi nghiệp là cuộc chơi của những người dũng cảm, đi tiên phong và dám chấp nhận rủi ro”.

          Lễ ký kết giữa VCCI với 21 tỉnh thành ngày hôm nay chính là bước hoàn thành mục tiêu 100% tỉnh thành cam kết tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, hoàn thành Nghị Quyết 35 của Chính phủ, thể hiện Chính phủ và các cấp chính quyền cùng quyết tâm vì doanh nghiệp phục vụ.

 

Đ/c Nguyễn Dương Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cùng với Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

và lãnh đạo các tỉnh  ký cam kết

            Tỉnh Hải Dương cũng đã có những cam kết rất cụ thể, mạnh mẽ như: Rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp xuống còn tối đa 02 ngày làm việc. Giảm 50-60% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh (bao gồm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư). Đảm bảo hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được giải quyết đúng và sớm hẹn; 100% trường hợp trễ hẹn đều có văn bản giải thích lý do hoặc xin lỗi doanh nghiệp. Phát triển doanh nghiệp: Phấn đấu đến năm 2020 tăng ít nhất gấp 1,5 lần số lượng doanh nghiệp hiện có của tỉnh. Tăng cường đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp ở các cấp khác nhau; tạo thuận lợi để doanh nghiệp có thể tham gia góp ý về các quy định, chính sách của tỉnh; đảm bảo 100% các văn bản quy định về cơ chế, chính sách do tỉnh ban hành đều được lấy ý kiến tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Tất cả phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính đều được xem xét giải quyết đúng quy định và phản hồi kết quả cho doanh nghiệp được biết trong vòng 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận phản ánh, kiến nghị. Riêng kiến nghị thuộc thẩm quyền xử lý của UBND tỉnh đều được UBND tỉnh đưa ra xem xét giải quyết trong vòng 01 tháng kể từ ngày tiếp nhận kiến nghị bằng văn bản. Xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị và cá nhân vi phạm trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo quy định. Công khai kết quả xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm để doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp được biết trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bằng những giải pháp thiết thực hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua cung ứng, phát triển các dịch vụ tư nhân như: thông tin tiếp cận thị trường, tư vấn pháp lý, khoa học công nghệ…

Lê Xuân Hiền

Trưởng phòng ĐKD - PCT Hiệp hội

Thành viên Tổ Công tác thi hành Luật DN và Luật ĐT

 


 

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

 
   

 

 

 


UỶ BAN NHÂN DÂNTỈNH

                                                  HẢI DƯƠNG

BẢN CAM KẾT

GIỮA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH  HẢI DƯƠNG

VỚI PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

VỀ VIỆC TẠO LẬP MÔI TRƯỜNG

KINH DOANH THUẬN LỢI CHO CÁC DOANH NGHIỆP

 

Căn cứ Luật số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015 của Quốc hội về Tổ chức chính quyền địa phương;

Căn cứ Quyết định 123/2003/QĐ-TTg ngày 12/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều lệ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;

Căn cứ Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 -2017, định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020;

 

Hôm nay, ngày 22 tháng 9 năm 2016, tại thành phố Hà Nội, chúng tôi gồm:

1. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Đại diện: Ông Nguyễn Dương Thái.

Chức vụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương.

Địa chỉ: Số 45, phố Quang Trung, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

2. PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM (VCCI)

Đại diện: Ông Vũ Tiến Lộc.

Chức vụ: Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Địa chỉ: Số 9, Đào Duy Anh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

 

Hai bên thống nhất ký cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, nội dung cụ thể như sau:

I. CAM KẾT CỦA UBND TỈNH HẢI DƯƠNG TRONG THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH

1.Các cam kết cơ bản 

- Tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn.

- Thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, các Sở, Ban, Ngành để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp.

- Chỉ đạo và chịu trách nhiệm đẩy mạnh triển khai có hiệu quả việc thực hiện Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 23 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Rà soát, thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ; hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo nguyên tắc khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ. Thông báo phải nêu rõ yêu cầu sửa đổi, bổ sung và lý do của việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung.

- Quán triệt cán bộ công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp. Công khai quy trình và cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ, tăng cường thanh tra công vụ; kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về các vi phạm của công chức, viên chức trong phạm vi quản lý.

- Đôn đốc các cơ quan nghiêm túc thực hiện quy định về đất đai, xây dựng, môi trường, đăng ký kinh doanh, đầu tư, thuế, hải quan, lao động, bảo hiểm, điện, tín dụng và tất cả các thủ tục hành chính liên quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

- Rà soát các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm để điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ cho phù hợp với thị trường và quyền kinh doanh của doanh nghiệp.

- Xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế. Chú trọng hình thành và phát triển vùng nguyên liệu tập trung, tạo thuận lợi cho xây dựng cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản.

- Đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, bao gồm cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả theo cơ chế thị trường, tạo cơ hội cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển.

- Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xã hội ra đời và phát triển.

- Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh: Đào tạo, tư vấn, thông tin, thị trường...

- Thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm); kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.

- Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.

2. Các cam kết khác 

2.1. Đơn giản hóa thủ tục hành chính:

- Rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp xuống còn tối đa 02 ngày làm việc; Giảm 50-60% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh (bao gồm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).

- Rút ngắn thời gian Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 77 ngày (bao gồm cả thủ tục phê duyệt thiết kế xây dựng công trình, kết nối cấp thoát nước, nghiệm thu đưa công trình vào khai thác sử dụng, đăng ký tài sản sau hoàn công...);

- Thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống không quá 14 ngày.

- Thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng xuống còn tối đa 200 ngày; thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp xuống còn 24 tháng;

- Các chỉ tiêu hoàn thuế, quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế, thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4.

- Đảm bảo hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được giải quyết đúng và sớm hẹn; 100% trường hợp trễ hẹn đều có văn bản giải thích lý do hoặc xin lỗi doanh nghiệp.

2.2. Phát triển doanh nghiệp: Phấn đấu đến năm 2020 tăng ít nhất gấp 1,5 lần số lượng doanh nghiệp hiện có của tỉnh.

2.3. Tăng cường đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp ở các cấp khác nhau; tạo thuận lợi để doanh nghiệp có thể tham gia góp ý về các quy định, chính sách của tỉnh; đảm bảo 100% các văn bản quy định về cơ chế, chính sách do tỉnh ban hành đều được lấy ý kiến tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.

Tất cả phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính đều được xem xét giải quyết đúng quy định và phản hồi kết quả cho doanh nghiệp được biết trong vòng 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận phản ánh, kiến nghị. Riêng kiến nghị thuộc thẩm quyền xử lý của UBND tỉnh đều được UBND tỉnh đưa ra xem xét giải quyết trong vòng 01 tháng kể từ ngày tiếp nhận kiến nghị bằng văn bản.

Xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị và cá nhân vi phạm trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo quy định. Công khai kết quả xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm để doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp được biết trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

2.4. Tăng cường công khai, minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng; cam kết 100% thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư và kinh doanh, các quy định, chính sách, quy hoạch của tỉnh và địa phương được công khai tại Bộ phận một cửa, một cửa liên thông và trên website của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

2.5. Phát huy hiệu quả của chính quyền điện tử, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính qua mạng; cắt giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định.

2.6. Về thủ tục thuế: Phấn đấu đạt tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 98% và nộp thuế điện tử tối thiểu đạt 90%.

2.7. Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bằng những giải pháp thiết thực hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua cung ứng, phát triển các dịch vụ tư nhân như: thông tin tiếp cận thị trường, tư vấn pháp lý, khoa học công nghệ…

2.8. Các cam kết trên sẽ được thực hiện với sự hỗ trợ, phối hợp và giám sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

 

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cử đơn vị đầu mối trực thuộc cơ quan mình để phối hợp, thực hiện cam kết này:

- Về phía Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh và phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

- Về phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Giao Chi nhánhPhòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hải Phòng là đơn vị đầu mối trực tiếp hỗ trợ, phối hợp và giám sát triển khai bản cam kết này.

Đơn vị đầu mối của hai bên có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hàng năm, đề xuất các giải pháp cụ thể và hướng dẫn triển khai thực hiện từng nội dung cam kết gồm thời gian, địa điểm, phân công trách nhiệm, ngân sách hoạt động, chế độ báo cáo, các kiến nghị đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

2. Thực hiện nghiệm túc các nhiệm vụ và nội dung thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh/thành phố được giao tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.Các nội dung cam kết, thời điểm triển khai cụ thể sẽ được căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế của tỉnh để triển khai đảm bảo hiệu quả.

3. Hàng năm lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương và lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ gặp gỡ trao đổi, đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất bổ sung nhằm tăng cường tính hiệu quả của bản cam kết này.

Cam kết này có thể được bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế bằng văn bản có chữ ký của đại diện có thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Cam kết này được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản và có hiệu lực từ ngày ký.

 

 

TM. PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

CHỦ TỊCH (Đã ký)

 

Vũ Tiến Lộc 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH HẢI DƯƠNG

CHỦ TỊCH (Đã ký)

   

Nguyễn Dương Thái

 

Các tin đã đưa ngày:
Hỗ trợ trực tuyến
Call me!
Vănphong