CHỈ SỐ PCI
CHỈ SỐ PCI Mon, Day 07/03/2016 15:20 PM
HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA, LÀM SAO ĐỂ ĐÚNG VÀ TRÚNG?
Phỏng vấn Ông Lê Xuân Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh - Trưởng phòng ĐKKD tỉnh Hải Dương - BTV Thanh Hoa thực hiện)
BTV Thanh Hoa. Xin ông cho biết khái quát về tổng số doanh nghiệp hiện nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương? Ông Lê Xuân Hiền. Tính đến hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh có gần 9000 Doanh nghiệp (cả trong và ngoài nước) đăng ký và đang hoạt động. Có 304 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài và hầu hết họ là các doanh nghiệp lớn. Trong số các doanh nghiệp trong nước thì có đến 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Như vậy, số lượng DNNVV chiếm đa số, Ông có thể cho biết tiêu chí doanh nghiệp như thế nào được gọi là doanh nghiệp nhỏ và vừa? Theo Nghị định 56/2009/NĐ-CP thì DNNVV là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, được chia thành ba cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn (tổng nguồn vốn tương đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của DN) hoặc số lao động bình quân năm (tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên). Vậy tại sao lại phải hỗ trợ DNNVV? Thế giới hỗ trợ khối doanh nghiệp này thế nào? Chỉ xét riêng về chỉ tiêu vốn thì khối doanh nghiệp tư nhân trong nước của Việt Nam có quy mô nhỏ và rất nhỏ, họ còn có nhiểu yếu kém về quản trị, điều hành, tiếp cận thị trường, pháp luật, đất đai, công nghệ, trình độ người lao động .v.v. Mặt khác, văn hóa kinh doanh của chúng ta chưa hình thành rõ nét. Nhìn lại bối cảnh lịch sử, sau đổi mới thì chúng ta mới có được đội ngũ doanh nghiệp ngoài quốc doanh, “già” lắm thì cũng đến 30 tuổi (từ khi đổi mới năm 1986 đến nay), có đến gần 80% là từ 1 đến 10 tuổi, "non trẻ" nên nhất định còn phải học hỏi nhiều, vấp váp, thất bại nhiều, vì thế mà cần phải hỗ trợ. Việt Nam xác định doanh nghiệp trong nước chính là xương sống quốc gia, có tầm quan trọng đặc biệt mang ý nghĩa sống còn đối với phát triển kinh tế xã hội cũng như sự ổn định của đất nước. Việc phát triển DNNVV nhằm nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh, phát triển về số lượng, đạt hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Mặt khác, cần phải làm sao để doanh nghiệp rất nhỏ có thể trở thành doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp nhỏ trở thành doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp vừa trở thành doanh nghiệp lớn. DNNVV chính là "nguồn" cung cấp để trở thành doanh nghiệp lớn. Tránh tình trạng Việt Nam hiện nay các doanh nghiệp nhỏ mãi mà không lớn lên được? Thậm chí quy mô càng ngày càng nhỏ đi! Trên thế giới hiện có hai quan điểm về hỗ trợ DNNVV. Thứ nhất, cần tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, đủ minh bạch để sự sáng tạo của doanh nghiệp phát triển tự nhiên, phù hợp với môi trường kinh doanh, các nước phát triển ủng hộ quan điểm này là Hoa Kỳ và châu Âu. Thứ hai, cần có can thiệp cụ thể để mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp là quan điểm của một số nước châu Á. Mỗi quan điểm có những ưu - nhược khác nhau, song trong điều kiện hiện nay của nước ta, thì vẫn cần chính sách hỗ trợ mang tính trực tiếp. Tuy vậy, chúng tôi vẫn nhấn mạnh ý thứ nhất, vì nó lâu dài và cơ bản. Tất cả các nguồn lực hỗ trợ về vật chất đều bị giới hạn nhưng môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch, sáng tạo thì không bị giới hạn. Ông có thể nêu một số chính sách hỗ trợ DNNVV của Việt Nam. Tập trung hỗ trợ cái gì mà DNNVV còn yếu, thiếu và thuộc lĩnh vực mà nhà nước muốn phát triển. Tập trung vào các chính sách hỗ trợ về vốn, thuế, đất đai, nguồn nhân lực, đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; xúc tiến mở rộng thị trường; tham gia kế hoạch mua sắm, cưng ứng dịch vụ công; về thông tin và tư vấn .v.v. Có rất nhiều chương trình, chính sách, kế hoạch .v.v. hỗ trợ DNNVV của Chính phủ, các Bộ, Ngành, các địa phương được xây dựng công phu, chi tiết nên khó có thể kể hết được. Một số chương trình lớn được nêu tại các văn bản như: Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 về trợ giúp phát triển DNNVV; Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 05/5/2010 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 56/2009/NĐ-CP nhằm triển khai thực hiện tích cực, đồng bộ các chính sách trợ giúp phát triển và phát huy mọi khả năng và nguồn lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV; Quyết định số 1231/QĐ-TTg ngày 07/9/2012 cảu Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011 – 2015 .v.v. Tỉnh Hải Dương cũng đã triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của TW và của tỉnh, ban hành Kế hoạch phát triển DNNVV tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 – 2015 .v.v. Vậy, kết quả thực hiện như thế nào? Để đánh giá được kết quả hỗ trợ phải xét cụ thể trên từng lĩnh vực mà nhà nước đã hỗ trợ và đánh giá từ phía các doanh nghiệp được hỗ trợ. Sơ bộ, có thể khẳng định, việc hỗ trợ DNNVV đã đạt dược những kết quả nhất định. Trong đó, đã có một số chính sách được triển khai thực hiện khá tốt, như là chính sách về thuế, về hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, về nâng cao công nghệ, về thông tin và tư vấn .v.v. Tuy vậy, như Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông đã đánh giá là, chính sách đã có nhiều, nhưng để kiểm đếm được kết quả hỗ trợ cho DNNVV là rất khó. Chúng ta có thể đếm được bao nhiêu người đi học các lớp tập huấn, bao nhiêu DN được hỗ trợ khoa học công nghệ…, còn đong đếm các DN đấy tiếp thu kiến thức để mang lại kinh tế thực sự cho họ thì vẫn chưa làm được. Đối với DN, muốn phát triển bền vững và lớn mạnh thì phải có nguồn lực con người, trình độ công nghệ phải đáp ứng được để cho ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, giá thành hạ, phải có thông tin về thị trường, tiếp cận thị trường bằng sự hỗ trợ từ Nhà nước… Cả một chuỗi nhu cầu của DN có đủ năng lực đảm bảo tính cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh thì hiện nay có đến 3, 4 cơ quan cùng hỗ trợ, nhưng mỗi cơ quan chỉ hỗ trợ một phần trong chuỗi nhu cầu thiết yếu của DN. Điều đáng nói hơn là hầu như không có sự giao thoa giữa các Bộ hỗ trợ cho phía DNNVV. Tất cả các DNNVV chỉ tiếp cận được một phần sự hỗ trợ sẽ không đủ để họ trở thành DN hoạt động kinh doanh hiệu quả. Chẳng hạn, được về nhân lực hiểu biết quản trị DN thì thiếu về công nghệ, có công nghệ lại thiếu thị trường. Đây chính là sự rời rạc của chính sách hiện nay. Một số doanh nghiệp thì cho rằng, thậm chí họ cũng không nắm được là mình được Nhà nước hỗ trợ cái gì, cách thức, điều kiện để được nhận hỗ trợ ra sao; việc hỗ trợ có "ra tấm ra món" không, có "bõ công" xin hỗ trợ không .v.v. Vậy, theo Ông, sắp tới chúng ta phải triển khai các chương trình hỗ trợ như thế nào để đạt kết quả cao nhất? Trong thời gian tới, trên cơ sở tổng kết kết quả hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2011-2015, cần tìm ra hướng hỗ trợ sao cho hiệu quả hơn, có thể phải thay đổi cơ bản cách thức hỗ trợ. Nguyên tắc là hỗ trợ cái mà doanh nghiệp cần chứ không phải là hỗ trợ theo ý chủ quan thì hiệu quả sẽ thấp. Chương trình, chính sách hỗ trợ phải rõ nét, có thể ít lĩnh vực thôi để cho đủ nguồn lực, hỗ trợ ra tấm ra món để khối doanh nghiệp được hỗ trợ này lớn rồi thì chuyển sang hỗ trợ nhóm khác. Trong đó nhất thiết phải đổi mới, chú trọng đến vai trò của đội ngũ từ xây dựng chính sách đến trực tiếp thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đội ngũ này cần phải sâu, sát và có thực tế chứ không phải làm chính sách từ các "phòng máy lạnh"; đặc biệt chú ý đến vai trò của các tổ chức Hội, Hiệp Hội .v.v. đối với việc xây dựng và thực thi các chính sách hỗ trợ DNNVV vì hơn ai hết đội ngũ này biết họ cần gì, thiếu gì, phải được hỗ trợ ra sao, theo phương thức nào .v.v. Để nâng cao chất lượng doanh nghiệp thành lập mới trong nền kinh tế, đề nghị Chính phủ có Chương trình quốc gia về khởi nghiệp. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và chia sẻ rủi ro cho các doanh nghiệp và dự án kinh doanh được thành lập trên cơ sở đổi mới sáng tạo. Mô hình các vườn ươm doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, rủi ro… nên được nghiên cứu triển khai rộng khắp để hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp, đặc biệt là trong lớp trẻ. Mỗi một giai đoạn, thậm chí phải xây dựng các chương trình cụ thể, chi tiết đến từng năm. Ví dụ, năm 2016 là việc cung cấp thông tin kịp thời và hướng dẫn thực thi với cách thức phù hợp các hiệp định thương mại tự do mới cho doanh nghiệp. Phải triển khai cụ thể tới từng ngành hàng và lĩnh vực kinh doanh, lĩnh vực gì thuận lợi thì phát huy thế nào, lĩnh vực nào khó khăn thì phải cảnh báo, rồi đối phó, thích ứng ra sao .v.v. Phần chủ động về sách lược, mục tiêu, chiến lược kinh doanh .v.v. luôn phải là doanh nghiệp chứ không có Nhà nước nào nghĩ thay, làm thay doanh nghiệp được nhưng nhất định Nhà nước phải làm sao để doanh nghiệp luôn có niềm tin, có dũng khí để xông vào mặt trận kinh doanh, để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân luôn yên tâm rằng, lúc nào cũng có nhà nước sát cánh, hỗ trợ ở bên, thật sự chia sẻ ngọt bùi - cay đắng, thật sự đồng hành với mình. Nhân dịp đầu xuân Bính Thân, Ông có lời chúc gì tới cộng đồng doanh nghiệp. Có một câu triết lý của người Nhật rất hay là nước Nhật trở nên mạnh mẽ bởi nước Nhật có một giới quan chức có liêm sỉ, một giới doanh nhân có dũng khí và một giới trí thức có tiết khí. Chỉ có vậy, rất ngắn gọn, hết sức cô đọng mà súc tích, giá trị vô cùng. Học hỏi tinh thần ấy, nhân đầu xuân Bính Thân, chúng tôi xin chúc các doanh nhân, dù thuyền có thể chưa to nhưng luôn có đủ dũng khí để giong buồm ra biển lớn, vẫn biết bão tố phía trước là khôn lường, kể cả có thất bại vẫn anh dũng đứng dậy để bước tiếp, quyết tâm với nghiệp doanh nhân, xây dựng doanh nghiệp phát triển, vì một nước Việt Nam hùng cường./.
Các tin cũ hơn:
Các tin đã đưa ngày:
|