CHỈ SỐ PCI
CHỈ SỐ PCI Fri, Day 13/07/2012 09:03 AM
BẦU DỒN PHIẾU – ĐỊNH CHẾ QUAN TRỌNG HAY BỊ BỎ QUÊN
Bầu dồn phiếu được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 trong đó quy định bầu thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát công ty cổ phần phải được bầu theo nguyên tắc dồn phiếu, có hiệu lực từ ngày 01/7/2006.
Trên 6 năm nhưng quy định hết sức quan trọng này lại ít được biết đến, bị bỏ quên hoặc hiểu không đúng nên đã không làm theo (hoặc làm theo nhưng không đúng) dẫn đến hậu quả tai hại là nhiều Nghị quyết của cuộc họp đại hội đồng cổ đông được tổ chức rất tốn kém đã bị vô hiệu, điều nguy hại hơn là từ đó đã dẫn đến nhiều tranh chấp nội bộ hết sức căng thẳng, nhiều vụ việc đã phải đưa ra Tòa án phân xử, gây nhiều thiệt thòi cho doanh nghiệp, cổ đông .v.v. Để góp phần hiểu thêm về Bầu dồn phiếu, Tạp chí của Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Hải Dương đã đề nghị Ông Lê Xuân Hiền – Phó CT Hiệp Hội DN tỉnh – Trưởng phòng ĐKKD, người có hiểu biết khá sâu sắc về Luật Doanh nghiệp viết bài giới thiệu về bầu dồn phiếu. Đồng thời, trong thời gian tới, Tạp chí sẽ tiếp tục đặt các bài viết tiếp theo về những quy định tuy đã khá chặt trẽ, cụ thể, chi tiết tại Luật Doanh nghiệp, Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại .v.v. gắn liền với việc thành lập và điều hành hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp nhưng nhiều khi vẫn chưa được tuân thủ trong thực tế, mong bạn đọc chú ý theo dõi các số tiếp theo. Về bầu dồn phiếu, có thể khi đọc bài viết này, các cổ đông của một số công ty cổ phần mới ‘giật mình” khi thậm chí mình còn chưa biết gì về định chế hết sức quan trọng này ? Trân trọng giới thiệu để bạn đọc tham khảo! !------------------------------! Khoản c, điều 104 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: Việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát và cổ đông có quyền dồn hết tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên. Để hướng dẫn điều khoản này, Nghị định 102/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/10/2010 Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật doanh nghiệp đã dành nguyên một điều – điều 29 về bầu dồn phiếu, trong đó quy định: Phương thức dồn phiếu bầu quy định tại điểm c khoản 3 Điều 104 của Luật Doanh nghiệp được áp dụng đối với tất cả các công ty cổ phần, gồm cả các công ty niêm yết, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác. Luật và Nghị định viết tương đối rõ như vậy, nhưng bạn đọc vẫn thấy băn khoăn vì không có ví dụ cụ thể sẽ không dễ để hiểu được các quy định trên. Ta xem một ví dụ dưới đây. Công ty cổ Phần ABC cần bầu hội đồng quản trị với số thành viên là 5 thành viên (các ứng viên để bầu đặt tên là TV1 đến TV 6). Vốn điều lệ của công ty A là 1.000.000.000 đồng (Một tỷ đồng) được chia thành 100.000 cổ phần phổ thông (mệnh giá cổ phần là 10.000 đồng/cổ phần). Như vậy, tổng số phiếu bầu (tổng số quyền bầu cử) HĐQT của Công ty này là: 100.000 cổ phần x 5 thành viên = 500.000 phiếu (tổng số quyền bầu cử là 500.000 phiếu). Cổ đông A sở hữu 10.000 cổ phần phổ thông và như vậy số phiếu bầu (tổng số quyền bầu cử) của cổ đông A là 10.000 cổ phần x 5 thành viên = 50.000 phiếu (tổng số quyền bầu cử của cổ đông A là 50.000 phiếu). Cổ đông A sẽ có lá phiếu bầu như sau:
Cổ đông A có thể chia số phiếu của mình cho các ứng viên theo rất nhiều cách, trong số phiếu mà cổ đông ấy có, dưới dây là một số cách chia phiếu bầu của cổ đông A.
Trên đây là ví dụ cụ thể với cổ đông A đối với các cổ đông B, C ... khác, chúng ta cũng làm giống như trên. Việc bầu thành viên Ban kiểm soát cũng được hiểu và làm tương tự như vậy. Vậy, kết quả được tính như thế nào ? Khoản 4 điều 29 Nghị định 102 quy định: Người trúng cử thành viên Hội đồng quản trị hoặc thành viên Ban kiểm soát được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp có từ hai ứng cử viên trở lên đạt cùng số phiếu bầu như nhau cho thành viên cuối cùng của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát thì sẽ tiến hành bầu lại trong số các ứng cử viên có số phiếu bầu ngang nhau hoặc lựa chọn theo tiêu chí quy chế bầu cử hoặc Điều lệ công ty. Ở ví dụ trên, giả dụ kết quả bầu như sau:
Theo kết quả trên, thì thành viên từ 1 đến 5 trúng cử hội đồng quản trị. Nhưng có bạn đọc đặt câu hỏi, sao lại có tỷ lệ trên 100% (như TV 1 đạt 180%), có hợp lệ không ? Trong trường hợp này bầu cử là hợp lệ vì ta lấy số phiếu bầu cho TV1 là 180.000 chia cho gốc là 100.000 = 180% và đây chính là hiệu quả của việc dồn phiếu. Qua phân tích ta thấy, bầu dồn phiếu có rất nhiều ưu điểm, đặc biệt là đảm bảo quyền lợi cho cổ đông nhỏ (thiểu số). Cổ đông thiểu số trong Công ty cổ phần thường đi liền tỷ lệ biểu quyết vấn đề quan trọng nào đó của Công ty là thấp so cổ đông lớn. Nếu áp dụng phương thức bầu dồn phiếu họ có thể liên kết lại với nhau để bầu những thành viên vào HĐQT hoặc BKS dễ dàng hơn. Hiểu nôm na, bầu dồn phiếu khác bầu thường ở hai chữ dồn phiếu, bầu bình thường (không dồn phiếu) nếu ta có một phiếu bầu, muốn bầu cho ai đó thì người đó sẽ có (tối đa) một phiếu. Khi bầu dồn phiếu, nếu số lượng người cần bầu là 5 thì vẫn với 1 phiếu bầu ấy ta có 5 quyền bầu và có thể dồn cả 5 quyền bầu ấy cho một người mà ta cần bầu. Tuy rõ ràng là thế nhưng để thực hiện đúng được trong thực tế, nhất là với các công ty cổ phần có số lượng cổ đông lớn, trình độ hiểu biết khác nhau .v.v. thì việc bầu dồn phiếu cũng không phải là dễ dàng. Điều này đòi hỏi những người tổ chức Đại hội đồng cổ đông phải hiểu, kiên trì giải thích để các cổ đông làm đúng theo nguyên tắc bầu dồn phiếu ./. Lê Xuân Hiền – Phó CT HH Trưởng phòng ĐKKD tỉnh Hải Dương Các tin cũ hơn:
Các tin đã đưa ngày:
|